Lịch sử Bóng_đá

Bài chi tiết: Lịch sử bóng đá
"Trường xuân bách tử đồ" (長春百子圖) vẽ vào thời Tống mô tả trẻ em chơi xúc cúc.

Các môn thể thao tương tự bóng đá hiện đại (với mục đích đá bóng vào khung thành đối phương) đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới từ rất lâu. Theo FIFA thì dạng bóng đá cổ xưa nhất bao gồm đầy đủ các kỹ thuật chơi bóng có lẽ xuất phát từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 2 hoặc 3 TCN, môn xúc cúc (蹴鞠, đá bóng).[7]La Mã cổ đại cũng xuất hiện một môn thể thao chơi bóng có những nét giống bóng đá, đó là môn harpastum.

Môn bóng đá với các luật chơi gần như ngày nay bắt đầu phổ biến từ giữa thế kỷ 19 tại các trường học trên nước Anh. Bộ luật bóng đá hiện đại cổ nhất mà ta biết là bộ luật mà ngày nay thường được biết đến dưới tên Bộ luật Cambridge (tiếng Anh: Cambridge Rules). Sở dĩ có tên gọi này vì chính trong khuôn viên Trinity College thuộc Đại học Cambridge, đại diện của năm trường Eton, Harrow, Rugby, WinchesterShrewsbury đã tổ chức họp mặt để thống nhất một luật chơi đầu tiên cho môn bóng đá.[8] Cũng trong thập niên 1850, các đội bóng nghiệp dư bắt đầu được thành lập và thường mỗi đội xây dựng cho riêng họ những luật chơi mới của môn bóng đá, trong đó đáng chú ý có câu lạc bộ Sheffield F.C..[9] Việc mỗi đội bóng có luật chơi khác nhau khiến việc điều hành mỗi trận đấu giữa họ diễn ra rất khó khăn. Nỗ lực đáng kể nhất trong việc chuẩn hóa luật chơi môn bóng đá là việc thành lập Hiệp hội bóng đá Anh (The Football Association, thường viết tắt là FA) vào ngày 26 tháng 10 năm 1863 tại Great Queen Street, Luân Đôn.[10] Sau 5 cuộc họp diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12, bộ luật đầy đủ và toàn diện đầu tiên của môn bóng đá gồm 13 điều đã được FA thông qua dưới sự chủ trì của Ebenezer Cobb Morley.[10] Hiện nay cơ quan chịu tránh nhiệm quản lý và theo dõi luật bóng đá trên thế giới là Ủy ban bóng đá quốc tế (International Football Association Board, thường viết tắt là IFAB). IFAB được thành lập năm 1886[11] tại Manchester trong một buổi họp với sự có mặt của đại diện FA, Hiệp hội bóng đá Scotland (Scottish Football Association), Hiệp hội bóng đá xứ Wales (Football Association of Wales) và Hiệp hội bóng đá Ireland (Irish Football Association).

Giải thi đấu bóng đá đầu tiên, Cúp FA (FA Cup), được C. W. Alcock tổ chức lần đầu cho các câu lạc bộ bóng đá Anh vào năm 1872. Trận thi đấu bóng đá cấp quốc tế đầu tiên giữa đội tuyển AnhScotland cũng diễn ra vào năm 1872 tại Glasgow. Nước Anh cũng là quê hương của giải đấu liên đoàn đầu tiên, The Football League, liên đoàn này được thành lập năm 1888 theo sáng kiến của giám đốc câu lạc bộ Aston Villa, ông William McGregor.[12] Giải đấu này bao gồm 12 câu lạc bộ thuộc miền Trung và miền Bắc nước Anh.

Cơ quan quản lý bóng đá thế giới, FIFA (Fédération Internationale de Football Association, Liên đoàn bóng đá quốc tế) được thành lập vào năm 1904 tại Paris với chủ tịch đầu tiên là ông Robert Guérin, một người Pháp, ngay từ khi thành lập FIFA đã tuyên bố sử dụng và tôn trọng bộ luật bóng đá do FA đưa ra.[13] Từ năm 1913, cơ quan theo dõi luật bóng đá IFAB bắt đầu bổ sung các thành viên là đại diện của FIFA. Hiện nay ban điều hành của IFAB bao gồm 4 đại diện của FIFA và 4 đại diện đến từ các liên đoàn khai sinh luật bóng đá là Anh, Scotland, Ireland và xứ Wales. Tính cho đến năm 2008, FIFA có 208 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có đại diện là thành viên, nhiều hơn Ủy ban Olympic Quốc tế 3 thành viên và nhiều hơn Liên Hiệp Quốc 16 thành viên.[14]

Bản đồ phân bố mức độ phổ biến của bóng đá. Các quốc gia được tô bằng màu xanh là nơi bóng đá phổ biến nhất, tô bằng màu đỏ là nơi bóng đá ít phổ biến nhất.

Ngày nay, bóng đá đã được chơi ở cấp độ chuyên nghiệp trên khắp thế giới với hàng triệu người đến sân theo dõi các trận đấu[15] cũng như hàng tỷ người theo dõi qua truyền hình.[16] Theo một cuộc thăm dò do FIFA tiến hành năm 2001, có trên 240 triệu người từ trên 200 quốc gia thường xuyên chơi bóng đá.[17] Không chỉ là môn thể thao phổ biến nhất thế giới,[18] bóng đá còn có ảnh hưởng lớn đến nền thể thao và xã hội nhiều quốc gia, hãng truyền hình ESPN từng cho rằng chính đội tuyển Bờ Biển Ngà đã giúp ngăn chặn nguy cơ một cuộc nội chiến tại nước này vào năm 2005, ngược lại cũng chính một trận bóng đá đã khởi đầu cho một cuộc chiến với cái tên Chiến tranh bóng đá xảy ra năm 1969 giữa El SalvadorHonduras.[19]